Tam thất từ xưa đến nay vẫn luôn là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm nên còn được gọi bởi cái tên “kim bất hoán” (vàng không đổi được). Cách sử dụng tam thất khá đơn giản, đồng thời tam thất cũng đem lại những công dụng vô cùng tốt trong việc phòng ngừa và điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt được đánh giá cao nhờ công dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Tam thất là loại cây hầu hết bộ phận nào cũng có thể sử dụng được. Tuy nhiên bộ phận dùng nhiều nhất là củ tam thất. Một cây tam thất có thể được thu hoạch sau khi trồng được 3 – 7 năm. Khi thu hoạch phần rễ để làm thuốc, người ta tiến hành đào rễ củ về, rửa sạch đất cát và cắt tỉa rễ con, có thể đem đi phơi nắng hoặc sấy đến gần khô, rồi lăn xoa nhiều lần cho đến khô.
Rễ củ của tam thất có hình trụ hoặc khối, hình thù thay đổi, thường có độ dài từ 1,5 – 4 cm, đường kính dao động từ 1 – 2 cm. Mặt ngoài của củ tam thất có màu vàng xám nhạt, trên mặt củ xuất hiện các nếp nhăn nhỏ chạy theo chiều dọc củ. Khi chưa chế biến, củ tam thất có lớp vỏ cứng bên ngoài, rất khó cắt hay bẻ, tuy nhiên có thể tách riêng khỏi phần lõi. Củ tam thất có mùi thơm nhẹ nhàng và rất đặc trưng của cây tam thất. Rễ củ trồng lâu năm thì củ càng to và nặng, càng có nhiều dược tính và giá trị càng cao.
Rễ củ tam thất có vị đắng ngọt và tính ấm. Khi nhấm nháp tam thất, ban đầu chúng ta thấy có vị đắng nhẹ, hơi ngọt và cảm nhận được dư vị đặc trưng của nhân sâm. Từ thời xa xưa để phân biệt tam thất với nhân sâm dễ dàng hơn, tiền nhân có nhận định về vị của tam thất như sau: “Tiền khổ, hậu cam, hậu cam cam” (Tức là khi nhấm nháp, ban đầu thấy vị đắng, sau lại cảm thấy vị ngọt và càng về sau càng thấy ngọt hơn).
Trong các bài thuốc Đông y, tam thất đứng trong tốp đầu các loại đầu vị của nhóm chỉ huyết (cầm máu) và được đánh giá là có tác dụng cầm máu, bồi bổ khí huyết, giảm đau, tiêu ứ huyết rất tốt. Cũng trong Dược điển Việt Nam, tam thất có công dụng tốt trong việc điều trị căn bệnh thổ huyết, băng huyết, lưu huyết, tan ứ huyết, sau khi đẻ huyết hôi không ra, rong kinh, kiết lỵ ra máu, ứ trệ đau bụng; ngoài ra còn điều trị được các chứng sưng tấy, người mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ít ngủ, ngủ không ngon giấc
Còn theo ghi chép trong các tài liệu nước ngoài, tam thất có khả năng giúp lưu thông tuần hoàn máu, ức chế vi khuẩn và siêu vi khuẩn, hạ đường huyết, chống viêm tấy và giảm đau, kích thích hệ miễn dịch và đặc biệt có công dụng giảm lượng cholesterol xấu trong máu,…