Tam thất còn được dân gian gọi với cái tên “kim bất hoán” tức là loại dược phẩm quý giá, vàng cũng không thể đổi được. Truyền tụng trong dân gian, tam thất bắc là loại thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh. Ngày nay, với các nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng đã chứng minh và cho thấy những dược tính giá trị của tam thất đóng góp to lớn cho các phương thuốc chữa bệnh mới.
Theo Ðông y, tam thất vị đắng hơi ngọt, tính ôn; Vào thận, kinh, can, tác dụng của tam thất tươi là hóa ứ, tiêu sưng, giảm đau, cầm máu. Mặc dù theo đặc tính thì tam thất là loại thuốc lý khí, nhóm cầm máu, song tác dụng hóa ứ mới là cơ bản:
– Hóa ứ, tiêu sưng, cầm máu: Chữa các trường hợp chảy máu do chấn thương bên trong (kể cả nội tạng). Bên cạnh tác dụng cầm máu, giảm phù nề còn có tác dụng tiêu máu ứ (do phẫu thuật, hoặc ngã bầm tím phần mềm). Tam thất đóng vai trò chính còn các vị thuốc khác phụ trợ. Sử dụng chủ yếu là thuốc bột, liều dùng thấp, từ 1-3g tam thất/ngày để cầm máu trước và 4-6g/ngày để tiêu máu ứ sau khi đã cầm máu chắc chắn. Đặc biệt với phụ nữ hậu sản, dùng tam thất 5g/ngày hầm với gà ác giúp cầm máu, tiêu máu ứ (tuần hoàn máu tốt) và bồi bổ cơ thể.
– Hóa ứ giảm đau: Ứ, đau là nguyên nhân và triệu chứng của các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, nhũn não, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, v.v… và các bệnh ung thư. Vai trò của tam thất trong các bài thuốc chữa các bệnh này là: giảm đau, giảm tác hại của hóa trị với gan và thận, giảm tác hại của tia xạ khi kết hợp xạ trị, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, tăng sức đề kháng của cơ thể, cầm máu trong trường hợp có chảy máu.
– Hóa ứ tiêu nhọt, giải độc: Tam thất có tác dụng tiêu nhọt, giảm đau trong các trường hợp ung nhọt sưng đau, loét. Và đặc biệt là chữa rắn độc cắn. Vừa uống: hòa uống bột tam thất từ 1-1,5g; vừa bôi ngoài da: mài tam thất với dấm để bôi không kể liều lượng.
Tuy là loại thuốc quý nhưng không được phép làm dụng. Khi sử dụng tam thất cần phải lưu ý các điểm sau:
– Nếu để cầm máu, trong thời gian sử dụng củ tam thất không dùng tỏi, gừng và các chế phẩm có chứa tỏi, gừng (trừ thán khương).
– Phụ nữ có thai không được dùng tam thất.
– Không dùng cho người huyết hư không ứ.